Thứ ba, 25.04.2017 GMT+7

Vài nét về Lưu trữ An Giang hướng đến Kỷ niệm 71 năm ngày Lưu trữ Việt Nam (03/01/1946 – 03/01/2017)

Ngay từ những ngày đầu nước nhà giành được độc lập, Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Thông đạt số 1C/VP ngày 03 tháng 01 năm 1946 về công tác công văn, giấy tờ. Thông đạt là một trong những văn bản đầu tiên của Nhà nước ta về công tác lưu trữ, đặt nền móng quan trọng cho ngành Lưu trữ Việt Nam, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc nâng cao ý thức của cán bộ, nhân dân với việc giữ gìn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia.

Người đã chỉ rõ "tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia" và đánh giá "tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu, có tác dụng rất lớn trong việc nghiên cứu tình hình, tổng kết kinh nghiệm, định hướng chương trình kế hoạch công tác và phương châm chính sách về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, cũng như khoa học kỹ thuật”. Sau Thông đạt, Đảng và Nhà nước ta cũng ban hành các quy định, điều lệ về công văn, giấy tờ tại các cơ quan, tổ chức như: Nghị định số 527/TTg ngày 02 tháng 11 năm 1957 của Phủ Thủ tướng ban hành Điều lệ quy định chung về công văn giấy  tờ của các cơ quan; Thông tri số 259/TT-TW ngày 08 tháng 9 năm 1959 của  Ban Chấp hành Trung ương về một số điểm về công tác lưu trữ, công văn, tài liệu; Công văn của Ban Chấp hành Trung ương ngày 09 tháng 10 năm 1961 đề nghị xây dựng ngành Lưu trữ…

Xác định ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của công tác lưu trữ đối với xã hội và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngày 17 tháng 9 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg về Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam và lấy ngày 03 tháng 01 hàng năm là "Ngày Lưu trữ Việt Nam".

Là một trong những tỉnh có bề dày lịch sử, tỉnh An Giang cũng trải qua nhiều thăng trầm, thử thách trong sự nghiệp bảo vệ, bảo tồn giá trị tài liệu lưu trữ. Trong từng giaiđoạn lịch sử, Lưu trữ tỉnh An Giang cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiển địa phương. Ngày 21 tháng 08 năm 1998 Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 1631/QĐ-UB-TC về việc thành lập Trung tâm Lưu trữ trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh An Giangcó chức năng quản lý công tác văn thư, lưu trữ của tỉnh; Trung tâm Lưu trữ tỉnh trở thành đơn vị sự nghiệp thực hiện chức năng của một lưu trữ lịch sử. Ngày 09 tháng 03 năm 2000 Trung tâm Lưu trữ và Công nghệ thông tin ra đời theo Quyết định số 470/QĐ-UB-TC của UBND, lúc này Trung tâm lưu trữ có thêm chức năng về công nghệ thông tin đáp ứng kịp tình hình thực tiển của tỉnh. Với nhiều đóng góp cho Ngành lưu trữ Nhà nước, Lưu trữ An Giang vinh dự được Bộ Nội vụ tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong 40 năm xây dựng và trưởng thành của Ngành lưu trữ Nhà nước theo Quyết định số 397/QĐ-BNV ngày 25 tháng 11 năm 2002

Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của văn thư, lưu trữ tỉnh theo Thông tư số 40/1998/TT-TCCP ngày 24 tháng 01 năm 1998 của ban Tổ chức Chính phủ, ngày 06 tháng 05 năm 2002, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1089/QĐ-UB-TC về việc thành lập Trung tâm Lưu trữ tỉnh. Trong giai đoạn này, Trung tâm lưu trữ đảm đương vai trò, nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh.

Ngày 04 tháng 06 năm 2008. Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 04/2008/TT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 1549/QĐ-UBND về việc chuyển giao Trung tâm Lưu trữ tỉnh An Giang từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh sang Sở Nội vụ.Thực hiện Thông tư số 02/2010/TT-BNV ngày 28 tháng 04 năm 2010 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của tổ chức Văn thư, Lưu trữ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp, ngày 20 tháng 12 năm 2010Trung tâm Lưu trữ và phòng Quản lý Văn thư - Lưu trữ thuộc Sở Nội vụ hợp nhất thành Chi cục Văn thư - Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh An theo Quyết định số 2411/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2010.

Gần 02 năm vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh vừa thực hiện nhiệm vụ lưu trữ lịch sử tỉnh, hoạt động Chi cục Văn thư - lưu trữ có nhiều thành tích nổi bật trong công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Chi cục Văn thư – Lưu trữ cũng gặp không ít khó khăn trong nhiệm vụ lưu trữ lịch sử. Từ những khó khăn trong quá trình hoạt động, Chi cục Văn thư - Lưu trữ đã tham mưu Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2187/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2012 về việc thành lập Trung tâm Lưu trữ trực thuộc Chi cục Văn thư – Lưu trữ. Trung tâm lưu trữ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Chi cục, có chức năng giúp Chi cục trưởng tham mưu Giám đốc Sở Nội vụ thực hiện thu thập, quản lý tài liệu lịch sử và các dịch vụ về chỉnh lý tài liệu theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định. Ngày 06 tháng 06 năm 2016, Trung tâm Lưu trữ được đổi tên thành Trung tâm Lưu trữ lịch sử đến nay.

Tuy có nhiều thay đổi trong quá trình hình thành và phát triển của ngành lưu trữ tỉnh nhà. Nhưng, dưới sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo chính quyền và địa phương, các ngành các cấp, ngành lưu trữ tỉnh nhà cũng đã đạt dược nhiều thành tích to lớn đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Theo Sở Nội Vụ tỉnh An Giang

 

Đường dẫn của bản tin này: index.php?f=news&do=detail&id=524&t=vai-net-ve-luu-tru-an-giang-huong-den-ky-niem-71-nam-ngay-luu-tru-viet-nam-03011946-03012017
© Công ty Cổ phần Lưu trữ Việt NamEmail: luutruvietnam89@gmail.com