Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học cho rằng 20 năm tới con người có thể bước đầu chạm tay vào ước mơ trường sinh bất tử bằng việc kéo dài tuổi thọ và sau đó là có cuộc sống gần như bất diệt.
Học giả người Mỹ Ray Kurzweil trong cuốn “Sự phi thường đang tới gần” (The Singularity is Near) cho rằng, 1.000 năm sau con người có thể thực hiện giấc mộng “trường sinh bất lão”. Tác phẩm này của Kurzweil, tác giả của nhiều cuốn sách về tương lai phát triển thần kỳ của nhân loại, đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của giới khoa học.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng chia sẻ quan điểm của Kurzweil rằng, những phát minh khoa học mang tính đột phá có thể giúp hiện thực hóa nhiều điều tưởng như là viển vông.
Cuốn “Sự phi thường đang tới gần” được xuất bản năm 2005 và sau đó được tái bản nhiều lần. Tuy nhiên cũng có nhiều tranh luận xung quanh những dự báo khoa học của Kurweil. Bởi vậy, tháng 8/2012 Raymond Kurzweil đã viết bài đăng trên tờ “The Sun”, trình bày rõ hơn những luận điểm của mình.
Ông viết: “Năm 1965 khi tôi học đại học thì cả trường mới có một bộ máy tính giá 7 triệu USD, nhưng vì thể tích đồ sộ của nó nên phải sử dụng cả một căn phòng lớn để đặt máy. Giờ đây thì sao? Máy tính rất gọn nhẹ, thậm chí điện thoại di động thông minh bỏ túi cũng là một chiếc máy tính.
Thế giới đang có những biến đổi thần kỳ, con người đang biến thành “con người điện tử”, nhiều bộ phận đã được thay thế bằng những chiếc máy điện tử tinh vi. Tôi cũng như nhiều nhà khoa học khác tin rằng sau 20 năm, thế giới thay đổi tới mức mà chúng ta không thể ngờ tới.
Sau 20 năm nữa, con người sẽ tự “biên tập” lại cơ thể mình. Kỹ thuật nano với những máy móc vi điện tử được cấy vào cơ thể con người, nó sẽ kích hoạt nhiều chức năng, như lọc máu, thay đổi các gen làm con người lão hóa, cho phép con người trường sinh bất tử”.
Bìa cuốn sách The Singularity is Near.
|
Hiện nay rất nhiều người đã thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ hiện đại, thay đổi các bộ phận trong cơ thể khiến họ đẹp hơn, trẻ trung hơn, thậm chí tăng thêm tuổi thọ. Tạp chí “Tự nhiên” cho biết, các nhà khoa học Aixơlen lần đầu tiên đã phát hiện ra loại gen biến đổi chống lão hóa. Kết quả thí nghiệm cho thấy, sau điều trị, ở 1.795 người mang loại gen này, chứng lão hóa đã giảm đi rõ rệt.
Vào thế kỷ thứ 19, tuổi thọ trung bình của con người chỉ có 37 tuổi, còn nay tuổi thọ trung bình ở nhiều nước đã lên tới 70 – 80 tuổi. Nếu cấy gen trường thọ vào cơ thể con người thì tuổi thọ trung bình trên 80 sẽ tăng lên 50% so với con số hiện nay.
Những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay đang diễn ra theo cấp lũy thừa. Thời gian nghiên cứu ra những phát minh khoa học đang được rút ngắn một cách bất ngờ. Những phát kiến khoa học trước đây phải mất 20 tới 30 năm, sau đó chỉ cần 10 năm, rồi 5 năm, 2,5 năm, trong tương lai chỉ cần 9 tháng. Khi khoa học kỹ thuật phát triển tới mức độ nhất định sẽ chuyển sang giai đoạn “nước giếng phun”, lúc đó con người có thể thực hiện được nhiều ước mơ của mình. Vì thế 1.000 năm tới đây, giấc mộng trường sinh bất tử rất có thể sẽ trở thành hiện thực.
Thế giới đang lo ngại với con số hơn 7 tỉ dân. Trái Đất dường như trở nên chật hẹp, nguồn vật chất có hạn của Trái Đất đang trở nên cạn kiệt, nuôi sống hơn 7 tỉ người đã trở thành vấn đề nan giải. Dự kiến trong 1.000 năm tới, dân số Trái Đất lên tới 14 tỉ người, lấy đâu nguồn thực phẩm để nuôi sống lượng người khổng lồ này?
Vào thời kỳ khoa học kỹ thuật chưa phát triển, một số nhà dân số học đã đưa ra “Thuyết nhân mãn”, theo đó khi dân số Trái Đất quá đông, cần gây chiến tranh để giảm bớt dân số. Giờ đây, khi khoa học kỹ thuật phát triển tột bậc thì vấn đề lương thực, thực phẩm sẽ được giải quyết. Các nhà khoa học Mỹ dự tính tới năm 2030 khoa học kỹ thuật mới sẽ giúp con người giải quyết được vấn đề năng lượng.
Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng, trong tương lai con người có thể trực tiếp hấp thụ năng lượng, nguồn dinh dưỡng từ không khí và Mặt Trời theo kiểu quang hợp của thực vật.
Khoa học kỹ thuật làm con người trường sinh bất lão thì khoa học kỹ thuật cũng có khả năng thăm dò vũ trụ và phát hiện những hành tinh xa xôi khác có sự sống để con người di cư tới đó. Khi tuổi thọ kéo dài tới hàng mấy trăm năm, thậm chí 1.000 năm thì con người có thể thực hiện những chuyến bay dài trong vũ trụ để tới các hành tinh khác”.