Trong các nghiên cứu trước đây các nhà khoa học đã nhận thấy việc côn trùng đập cánh trong khi bay nhanh, trên thân của chúng hình thành những điện tích dương. Đậu trên bông hoa, chúng truyền cho hoa một phần điện tích này, nhưng họ chưa xác định được tương tác giữa ong và hoa ra sao.
Loài ong tìm thấy các bông hoa theo điện tích của hoa.
Để trả lời câu hỏi đó, các tác giả tiến hành thí nghiệm sau đây: Đầu tiên, nhờ một dây dẫn rỗng, họ đo điện tích dương ong mang trên thân của mình. Sau đó, họ xác định điện tích ong đã truyền cho một bông hoa yên thảo khi chúng đậu lên đó.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã đo điện tích một bông hoa nhân tạo truyền cho ong: một nửa số hoa tích điện dương, chứa dung dịch đường (tạm gọi là hoa ngọt), trong khi nửa số hoa còn lại được tiếp đất để trở thành trung tính và chứa một chất lỏng đắng (gọi là hoa đắng).
Ong nhanh chóng rút ra được kinh nghiệm lựa chọn hoa ngọt trên cơ sở điện trường do hoa phát ra. Để kiểm tra liệu ong có thể dựa vào các tính chất khác của hoa (như mùi và màu chẳng hạn) họ làm một loạt thí nghiệm khác. Họ cho hoa ngọt và hoa đắng có mùi hương và màu khác nhau nhưng khử đi điện trường, quả nhiên ong không còn phân biệt được giữa hoa ngọt và hoa đắng nữa.
Thí nghiệm cho thấy ong tìm hoa hút mật trên cơ sở điện trường quen thuộc của hoa theo kinh nghiệm của mình chứ không phải là dựa trên mùi hay màu sắc (thí nghiệm này chỉ để khẳng định một lần nữa là ong vốn mù màu).
Các tác giả của công trình tự nhận rằng họ là những người đầu tiên phát hiện khả năng cảm nhận được điện trường ở ong và có thể ở những loài côn trùng thụ phấn khác. Trước đây đã có người đã đề cập đến khả năng cảm nhận này ở cá mập và các loài cá khác.
Theo Bảo Châu
VietNamNet
______________________________
*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến
email: thaolam@dantri.com.vn