Đó là nhận xét trong một báo cáo điều tra về tác động của trình độ công nghệ đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc tiến hành khảo sát trên 8.000 doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2011.
Công nghệ phù hợp với thực tiễn
Khái niệm về “Công nghệ” được hiểu khá rộng và khá phức tạp. Tuy nhiên công nghệ nêu ra ở đây được giới hạn chủ yếu là các phương pháp, quy trình và thiết bị sử dụng cho sản xuất. Với cách hiểu như vậy thì nhiều ý kiến cho rằng về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn có thể tạo ra nhờ sự kết hợp hợp lý giữa yếu tố lao động với công nghệ hiện có được cho là do sự hội tụ của các nền kinh tế có thu nhập cao và có thu nhập thấp trong quá trình vận động và phát triển.
Các chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định này đã dựa trên khái niệm về đường “giới hạn năng lực” công nghệ ở ngành hay nhóm ngành sản xuất kinh doanh nào đó. Theo đánh giá chung thì hiện nay trình độ công nghệ của Việt Nam vẫn còn khá xa so với đường giới hạn này, như vậy sẽ dễ dàng, kinh tế và phù hợp hơn nếu biết ứng dụng và cải tiến các công nghệ sẵn có để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Trái lại với các quốc gia đã tiệm cận gần với đường giới hạn năng lực, công nghệ có xu hướng đi tìm kiếm các công nghệ mới lạ, đòi hỏi có vốn đầu tư cao để tạo ra các giá trị mới trong sự cạnh tranh toàn cầu.
Theo logic này, sự phát triển của các doanh nghiệp và mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Việt Nam trong giai đoạn này nên có sự lựa chọn thông minh và phù hợp với thực tiễn và không quá nhất thiết phải tập trung nguồn lực và việc tạo ra các công nghệ mới lạ, khác biệt, đầu tư lớn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh mà cần lựa chọn những giải pháp hợp lý và phù hợp với thực tiễn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc “hấp thụ” các công nghệ sẵn có đạt được thông qua tác động lan tỏa công nghệ qua các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI). Sự lan tỏa này có thể theo chiều dọc (ngược, xuôi) hoặc theo chiều ngang trong mối quan hệ đối tác cung cầu hoặc cạnh tranh.
Ứng dụng cải tiến công nghệ trong sản xuất là một vấn đề quan trọng đối với việc hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Trong ảnh: DN Vinaxuki coi trọng việc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. (Ảnh: Phương Nga)
Tuy nhiên, cho đến nay những tác động lan tỏa công nghệ khi thu hút các doanh nghiệp FDI vẫn chưa đạt được đối với Việt Nam. Hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp này trong thời gian qua vẫn chủ yếu là những khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy làm cho tác động lan tỏa công nghệ là không đáp ứng những mong chờ của đổi mới công nghệ trong nước.
Như vậy nhất thiết phải có những đề án nghiên cứu để đánh giá lại các hiện trạng công nghệ trong một bộ phận lớn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về thẩm định, chấp thuận công nghệ trong các dự án FDI nhằm bảo đảm cho sự phát triển các doanh nghiệp mới thông qua việc tiếp cận, sử dụng, cải tiến, đổi mới công nghệ hiện có.
Ứng dụng cải tiến, đổi mới công nghệ
Qua những phân tích ở trên cho thấy, việc lựa chọn giải pháp đổi mới toàn bộ công nghệ hay sử dụng giải pháp ứng dụng cải tiến công nghệ trong sản xuất là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với việc hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp khoa học và công nghệ do tính đặc thù của một mô hình doanh nghiệp kiểu mới được hình thành và phát triển.
Để có thể giúp doanh nghiệp giải quyết được khó khăn này đòi hỏi phải làm rõ được thực trạng công nghệ và nền tảng công nghệ cũng như việc xử lý các mối quan hệ cung và cầu công nghệ, làm rõ năng lực đổi mới và năng lực công nghệ của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khoa học và công nghệ nói riêng.
Một trong các vấn đề cần ưu tiên là phải giúp chủ thể thực hiện quá trình đổi mới, cải tiến, ứng dụng công nghệ đánh giá được tác động và ảnh hưởng việc ứng dụng công nghệ và mức độ đầu tư vào chuyển giao hay nghiên cứu và phát triển công nghệ của doanh nghiệp, kinh nghiệm cải tiến thành công hay không thành công từ các công nghệ sẵn có, những mong muốn việc cải thiện công nghệ, nghiên cứu và phát triển mới tại các doanh nghiệp.
Trên đây là một số ý kiến trao đổi về vấn đề đổi mới hay cải tiến công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Qua bài viết này cũng mong muốn nêu ra một số nhận định, xu hướng đã được nhiều chuyên gia đề cập đến để cùng được trao đổi góp ý và đóng góp các thông tin thêm cho các chương trình hỗ trợ của Chính phủ về đổi mới công nghệ tại Việt Nam trên một số điểm như sau:
Doanh nghiệp Việt Nam đang chủ yếu tập trung sản xuất các sản phẩm cũ một cách hiệu quả hơn, hướng tới đạt chất lượng cao hơn, thay vì mở rộng sang các ngành mới. Vậy cần đổi mới công nghệ như thế nào?
Nguồn lực đầu tư cho chuyển giao, đổi mới công nghệ chủ yếu có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ nội bộ của doanh nghiệp và hiện còn thiếu những kênh đầu tư vốn khác rất cần thiết cho đổi mới công nghệ. Khơi thông nguồn vốn đầu tư này như thế nào?
Cho đến nay chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước được hưởng lợi từ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động R&D, một số ít các doanh nghiệp tư nhân và không có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nào được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ R&D của Chính phủ. Giải pháp nào cho thực trạng này?
Tại sao các quốc gia khác trong khu vực thu hút các dự án FDI có tác động lan tỏa công nghệ cao, tạo ra các doanh nghiệp có sức cạnh tranh bền bỉ và tồn tại bền vững dựa trên yếu tố đổi mới công nghệ mà Việt Nam chưa có được. Khó khăn này phải được giải quyết như thế nào? Trách nhiệm thuộc về những ai và bắt đầu từ đâu?
Theo TS.Nguyễn Huy Cường, Cục PTTT&DN KH-CN, Bộ KH-CN
Đất Việt
_____________________________________
*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến
email: thaolam@dantri.com.vn