Thứ tư, 27.02.2013 GMT+7

Tìm ra hướng xử lý hiệu quả vấn đề bùn đỏ ở Tây Nguyên

Phương án xử lý bùn đỏ, vấn đề lớn về môi trường trong quá trình khai thác, sản xuất quặng bauxite khu vực Tây Nguyên sẽ sớm được hoàn thiện. Bùn đỏ có thể trở thành nguyên liệu đầu vào hữu ích phục vụ sản xuất, chế tạo vật liệu xây dựng.

Thử nghiệm sản xuất mẻ 10 tấn bùn đỏ tạo ra 2,5 tấn thép.
Thử nghiệm sản xuất mẻ 10 tấn bùn đỏ tạo ra 2,5 tấn thép.

Ngày 21/02/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp xem xét kết quả việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc nghiên cứu, xây dựng phương án, công nghệ xử lý bùn đỏ thành các sản phẩm hữu ích, góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến và khai thác bauxite tại Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Viện KH&CN Việt Nam, bùn đỏ trong khai thác bauxite tại khu vực Tây Nguyên có chứa hàm lượng sắt cao hơn hẳn khi so với các khu vực khác trên thế giới như Australia, Hungary… Hàm lượng sắt trong bùn đỏ khô tại Nhà máy hóa chất Tân Bình dao động từ 35,8-40% tính theo Fe và 51,1-56,3% tính theo Fe2O3, tại dự án alumin Lâm Đồng, hàm lượng Fe2O3 từ 46-53%. Đây được coi tương đương với quặng sắt nghèo, có khối lượng lớn và có thể định hướng để sản xuất gang thép.

Năm 2012 vừa qua, đơn vị nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm quy mô công nghiệp từ 1-10 tấn/mẻ. Kết quả, hiệu suất thu hồi sắt trung bình đạt trên 70%, xỉ lò có đủ tiêu chuẩn sản xuất clinker và vật liệu xây dựng không nung. Quá trình này còn tách được một lượng hóa chất xút. Tại mẻ thử nghiệm tiến hành tháng 5/2012, 10 tấn bùn đỏ có hiệu suất thu hồi sắt 71%, tạo ra 2,539 tấn thép có cường độ chịu lực cao.

Có 2 vấn đề đặt ra trong quá trình sản xuất này. Thứ nhất, quá trình xử lý bùn đỏ ướt sang bùn đỏ khô hiện đã có doanh nghiệp sở hữu công nghệ. Thứ hai, không hoàn nguyên về sắt bằng công nghệ lò cao phổ biến hiện nay được do thành phần nhôm trong bùn đỏ còn cao. Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục bằng sử dụng đá vôi vốn có trữ lượng lớn ở nước ta.

Kết quả mẻ thử nghiệm hoàn nguyên trực tiếp sắt trên lò hồ quang cũng có nhược điểm là cần một lượng thép phế liệu để đánh hồ quang, tạo ra bài toàn kinh tế nếu sản xuất công nghiệp. Vì vậy, đơn vị nghiên cứu đề xuất công nghệ nâng cao hiệu suất thu hồi và cải tiến sang sản xuất sắt xốp (hàm lượng sắt 89-96%). Đây cũng là sản phẩm nguyên liệu đầu vào có nhu cầu cao trên thị trường sản xuất sắt thép.

Bên cạnh đó, Viện KH&CN đã cùng một doanh nghiệp sản xuất thép nghiên cứu bước đầu về tổ hợp sản xuất sắt xốp, sản xuất phôi thép, cán thép cùng một nhà máy sản xuất vật liệu không nung.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá những kết quả nghiên cứu, thử nghiệm của Viện KH&CN Việt Nam là rất đáng khích lệ, đưa ra hướng xử lý bước đầu có hiệu quả đối với bùn đỏ - lượng bã thải, vướng mắc lớn trong vấn đề môi trường khi thực hiện chủ trương khai thác, chế biến bauxite ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ về chủ trương, thủ tục để các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, thử nghiệm công nghệ sản xuất các sản phẩm từ bùn đỏ, bảo đảm tính bền vững, khả thi.

Nhấn mạnh khi thực hiện quy mô sản xuất công nghiệp cần đảm bảo tính kinh tế, Phó Thủ tướng đồng ý để các doanh nghiệp tham gia phối hợp, lập báo cáo các dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, các cơ quan thẩm quyền xem xét tạo cơ chế, chính sách để thực hiện dự án được thuận lợi.

Riêng 2 vấn đề về tách xút và dịch trong bùn đỏ cần phối hợp với doanh nghiệp có công nghệ, có kinh nghiệm, có nhu cầu xỉ để sản xuất vật liệu clinker, vật liệu không nung.

Theo Chinhphu.vn

________________________________

*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến

email: thaolam@dantri.com.vn

(http://dantri.com.vn)
Đường dẫn của bản tin này: index.php?f=news&do=detail&id=284&t=tim-ra-huong-xu-ly-hieu-qua-van-de-bun-do-o-tay-nguyen
© Công ty Cổ phần Lưu trữ Việt NamEmail: luutruvietnam89@gmail.com