Đây là những chuyện sẽ có trong chương trình truyền hình “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956 của Thủ tướng chính phủ. Chương trình được truyền hình trực tiếp vào lúc 20h00 ngày 3/4/2013 trên Kênh Truyền hình Nông nghiệp nông thôn 3NTV - VTC16.
Danh hài Xuân Bắc trong vai trò MC của chương trình trực tiếp “Hãy hỏi để biết” phát sóng 5 ngày/tuần trên kênh VTC16 nhằm trả lời mọi thắc mắc của nông dân trong đó có vấn đề học nghề.
Họ có thể tìm thấy ở đây gần như tất cả các thông tin về kỹ thuật, nông sản, thị trường, từ việc mua giống ở đâu, dùng thuốc chữa bệnh như thế nào, cho đến học một nghề mới... Những nội dung này chiếm tới gần 1 nửa thời lượng phát sóng hàng ngày của VTC16.
Những mô hình thành công, được coi là điển hình của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đều đã xuất hiện trên kênh VTC16. Nhiều người trong số họ trở nên nổi tiếng vì nhiều nông dân ở các vùng miền khác nhau muốn tìm gặp và học hỏi kinh nghiệm.
Những mô hình thành công nhất sẽ xuất hiện trong chương trình truyền hình, nhìn lại 3 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trên VTC16.
Trong khi đó, ở một số nơi, nông dân học nghề xong không có việc làm, hoặc sản phẩm làm ra không bán được. Nông dân được huy động đi học nghề, nhưng nghề đó lại không dùng được. Thế là họ không còn cơ hội để học nghề khác, vì theo quy định, mỗi người chỉ được học 1 lần.
Trong khi đó, các lớp dạy nghề vẫn được mở ra để hoàn thành chỉ tiêu. Ở An Giang, có những lớp dạy nghề mở cửa vào nửa đêm chỉ vì thời gian triển khai không còn nhiều, phải học cả ban đêm thì mới đảm bảo kế hoạch.
Biên tập viên kênh VTC16 đang tiếp một khán giả đến xin đĩa về hướng nghiệp học nghề.
Những câu chuyện này sẽ được kể lại trong chương trình. Đây cũng chính là nội dung chất vấn sẽ được gửi tới các vị lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ LĐ-TB-XH, Bộ NN-PTNT…
Một trong những giải pháp quan trọng là nghiên cứu sâu hơn về nhu cầu của nông dân trong việc học nghề và hướng cho việc dạy nghề phù hợp với nhu cầu đó.
Năm ngoái, ngành nông nghiệp - PTNT đã tiếp nhận việc đào tạo những nghề nông nghiệp. Như vậy, sẽ đảm bảo chất lượng của các lớp đào tạo nghề nông nghiệp. Ngành cũng đã làm thí điểm việc cấp thẻ cho nông dân, Với những tấm thẻ này, nông dân có thể học cái nghề mà họ muốn, ở bất kỳ cơ sở đào tạo nghề nào thuộc đề án 1956.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo, ràng buộc trách nhiệm của các địa phương với hiệu quả của chương trình đào tạo nghề.
Những biện pháp này mới được triển khai. Chắc chắn, chúng sẽ tạo được chuyển biến mới.
Tất cả những vấn đề trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ được đề cập trong chương trình. Đại diện các bộ ngành sẽ trả lời về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại.
Khán giả có thể kỳ vọng rằng, sẽ không có chuyện trách nhiệm được đẩy từ chỗ này sang chỗ khác. Vì trong chương trình có mặt đầy đủ đại diện các bộ ngành liên quan và những ý kiến của họ, sẽ được đối chiếu với nhau.
Chương trình này sẽ được phát trực tiếp trên kênh VTC16 và, tiếp sóng trên các kênh VTC1, VTC2, VTC5 và một số đài địa phương trên cả nước.
Đơn vị tài trợ chính: Công ty viễn thông di động (Mobifone)
Đồng tài trợ: Phân bón Thiên Nông
Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1956 phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, sẽ có khoảng trên 10 triệu lao động nông thôn được đào tạo, và tối thiểu 70% trong số đó có việc làm. Đề án có tổng kinh phí dự kiến hơn 20 nghìn tỷ đồng, và thời gian thực hiện là 10 năm (2010 đến 2020).