Thứ năm, 11.04.2013 GMT+7

ADN sẽ chỉ rõ là xương người hay gia súc

Kể từ năm 1985, khi lần đầu tiên người ta phát hiện ra vai trò của ADN trong công tác điều tra hình sự, công nghệ ADN đang ngày một đóng vai trò quan trọng hơn việc phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu một cách kỹ càng về công việc này.

Thu thập mẫu ADN

Việc thu mẫu ADN phải được tiến hành rất cẩn thận.
Việc thu mẫu ADN phải được tiến hành rất cẩn thận.

Muốn tiến hành giám định ADN, trước hết phải tiến hành thu thập mẫu. Đối với quá trình điều tra tội phạm, các mẫu ADN có thể là tóc, máu, da, mồ hôi, thậm chí là chất nhờn trên cơ thể của tội phạm.

Mới đây nhất, các nhà khoa học còn khẳng định, có thể dùng công nghệ giám định ADN trong nước bọt để tìm ra hung thủ hiếp dâm nếu như hắn hôn nạn nhân của mình.

Mẫu ADN thường được lấy tại hiện trường của vụ án và phải tuân thủ theo những quy trình rất nghiêm ngặt. Các nhân viên hiện trường phải đảm bảo rằng, các mẫu ADN thu được không bị làm hỏng do điều kiện môi trường. Thông thường, các mẫu ADN được cất giữ trong các phong bì bằng giấy và giữ ở nhiệt độ ổn định.

Sau khi thu thập mẫu ADN, các nhân viên điều tra sẽ dán nhãn, ghi chú thông tin ở bên ngoài, đảm bảo rằng, các mẫu ADN thu được có đầy đủ tính pháp lý có thể làm bằng chứng ở tòa án sau này.

Các kỹ thuật giám định ADN

Các mẫu ADN sau khi thu thập được sẽ được gửi về các cơ quan giám định để tiến hành phân tích ADN.

Việc phân tích ADN được tiến hành trong các phòng thí nghiệm bằng nhiều kỹ thuật khác nhau.
Việc phân tích ADN được tiến hành trong các phòng thí nghiệm bằng nhiều kỹ thuật khác nhau.

Hiện tại, trên thế giới có 4 công nghệ chủ yếu có thể tiến hành giám định ADN bao gồm kỹ thuật RFLP, kỹ thuật STR, kỹ thuật đánh dấu trên nhiễm sắc thể Y và kỹ thuật phân tích ADN ty thể.

Kỹ thuật RFLP (Restriction fragment length polymorphism - phân tích đa hình chiều dài đoạn cắt giới hạn) là một trong những kỹ thuật đầu tiên được sử dụng trong việc phân tích ADN. Nguyên lý cơ bản chủ yếu dựa trên việc phân tích chiều dài của các sợi ADN, bao gồm cả những cặp base được lặp đi lặp lại. Chiều dài của ADN trong bằng chứng thu thập sẽ được so sánh với một ADN mẫu để cho kết quả. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi mẫu chứng cứ phải hoàn toàn không bị nhiễm bẩn.

Không giống với kỹ thuật RFLP, kỹ thuật khảo sát STR (Short tADNern repeat - Các đoạn lặp nhỏ) yêu mẫu chứng cứ có kích thước nhỏ gọn hơn nhiều. Trong phương pháp này, mẫu ADN sẽ được khuyếch đại thông qua phương pháp PCR. Nói cách khác, các nahf khoa học sẽ làm cho mẫu ADN ban đầu nhân lên theo cách mà nó được nhân lên trong tự nhiên. Và sau đó, trình tự ADN này sẽ được so sánh với trình tự ADN mẫu để cho kết quả giám định.

Kỹ thuật đánh dấu nhiễm sắc thể Y tập trung vào việc phân tích những gen nằm trên nhiễm sắc thể Y. Vì nhiễm sắc thể Y chỉ có ở nam giới, do đó những gen trên nhiễm sắc thể này có thể được dùng để nhận dạng chính xác ADN nào thuộc về người đàn ông nào. Thông thường, phương pháp này được dùng nhiều trong các vụ án liên quan tới tấn công tình dục.

Ba phương pháp nói trên có một điểm chung là đều dùng ADN của nhân tế bào. Các phương pháp này thường được sử dụng với những mẫu ADN không bị hư hỏng, mức độ phân hủy thấp. Trong các trường hợp này, độ chính xác sẽ cao hơn hẳn và thời gian giám định cũng ngắn hơn.

Tuy nhiên, khi các mẫu ADN có độ phân hủy cao, không hoàn chỉnh thì buộc phải dùng tới kỹ thuật thứ 4 - kỹ thuật phân tích ADN ty thể. Đối với phương pháp này độ chính xác thấp hơn và thời gian giám định cũng kéo dài hơn, có khi lên tới vài tuần. Tuy nhiên, kỹ thuật này tỏ ra rất hữu dụng đối với những vụ án đã "đóng băng". Chẳng hạn một vụ giết người, một vụ mất tích hay một cái chết không rõ nguyên nhân. Bằng chứng trong những vụ án này thường chỉ là những chứng cứ sinh học không hoàn chỉnh về cấu trúc ADN, hoặc do thời gian điều tra đã kéo dài dẫn đến việc các mẫu chứng cứ không được bảo quản tốt.

Các kết quả phân tích ADN sẽ được đối chiếu với kho dữ liệu ADN của mỗi quốc gia.
Các kết quả phân tích ADN sẽ được đối chiếu với kho dữ liệu ADN của mỗi quốc gia.

Sau khi có kết quả phân tích, người ta sẽ tiến hành đối chứng với các mẫu ADN của nghi phạm của vụ án. Trong trường hợp nghi phạm vẫn chưa bắt được, người ta có thể tiến hành đối chiếu các mẫu ADN được lưu trữ tại các kho dữ liệu ADN. Ở Mỹ có hẳn một ngân hàng hàng dữ liệu ADN, hay thường được biết đến với cái tên National DNA Index System (NDIS), chứa đựng dữ liệu ADN từ các phòng xét nghiệm trên khắp đất nước. Ở nước ta, tại Viện Khoa học hình sự cũng có Trung tâm dữ liệu ADN tội phạm.

Giám định ADN tại Việt Nam

Tại Việt Nam, giám định ADN cũng đã được áp dụng trong công tác điều tra tội phạm. Hiện tại, nước ta có 3 cơ quan có khả năng tiến hành các giám định ADN bao gồm: Trung tâm giám định gen thuộc Viện Khoa học hình sự; Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật và Khoa Y sinh học thuộc Viện Pháp y Quốc gia.

Theo như giới thiệu của Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền thì ở nước ta hiện nay chỉ mới dùng công nghệ ADN ty thể chứ chưa phổ biến công nghệ ADN nhân tế bào. Theo các thông tin giới thiệu thì việc giám định ADN kiểm tra huyết thống chỉ mất 4h, còn việc giám định ADN hài cốt trong công tác tìm kiếm liệt sĩ thường mất 5 – 10 ngày.

Liên quan tới nghi án giết người đốt xác tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, việc xác định các xương đào được trong vườn có phải là xương người hay xương động vật thực tế không hề phức tạp, vì cấu trúc ADN của người và của các loài gia súc rất khác biệt do quá trình tiến hóa.

Ngoài ra, nếu xác định được xương đào trong vườn nhà bà Hường vợ bí thư xã là xương người, thì các biện pháp giám định ADN cũng có thể xác định được chính xác đó có phải là xương của bà Hà hay không. Điều này có thể thực hiện dựa trên việc đối chiếu với mẫu ADN ở các vật dụng hàng ngày của bà Hà như bàn chải đánh răng, khăn mặt, mẫu tóc... trong khoảng thời gian tương đương như với giám định ADN cho hài cốt liệt sĩ.


Theo Lê Văn
VietNamNet

______________________________________

*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến

email: thaolam@dantri.com.vn

(http://dantri.com.vn)
Đường dẫn của bản tin này: index.php?f=news&do=detail&id=330&t=adn-se-chi-ro-la-xuong-nguoi-hay-gia-suc
© Công ty Cổ phần Lưu trữ Việt NamEmail: luutruvietnam89@gmail.com