Lợi và hại của việc đăng bài khoa học theo nhóm
Thứ tư, 27.02.2013 19:23Việt Nam có thể tăng lượng công bố khoa học quốc tế nếu ưu tiên phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong nước, nhưng nước ta cần có cơ chế tránh việc nhà nghiên cứu không làm gì lại có tên trong bài báo khoa học. > Sao lại tuyển cử nhân làm giảng viên đại học?> Nên dùng tiền để tuyển tiến sĩ trẻ từ nước ngoài về
Đỗ Quốc Tuấn. |
Đỗ Quốc Tuấn, hiện là nghiên cứu sinh vật lý lý thuyết tại Đại học Chiao Tung, Đài Loan gửi cho VnExpress bài viết với mục đích giúp các nhà khoa học tăng số bài báo quốc tế mà không sản sinh thêm các tiến sĩ "giấy":
Là một nước đi sau, Việt Nam lợi thế trong tiếp thu bài học quý cũng như bài học cần tránh của các nước phát triển đi trước trong việc gây dựng một nền khoa học công nghệ lành mạnh.
Cách tiếp cận của tôi là việc đăng bài báo khoa học theo nhóm (các đồng tác giả không nhất thiết phải làm việc theo nhóm ở cùng một cơ quan nghiên cứu), một hình thức phổ biến hiện nay ở các nước nền khoa học công nghệ hàng đầu thế giới cũng như ở một số ngành khoa học công nghệ ở Việt Nam.
Đăng bài theo nhóm: Mặt tích cực
Theo cách hiểu thông thường thì khi đăng bài theo nhóm, đồng tác giả phải làm việc cùng nhau, trao đổi và thống nhất về kết quả khoa học trình bày trong bài báo chung. Đăng bài theo nhóm là mô hình rất phổ biến trong khoa học thực nghiệm. Gần đây với sự phát triển của internet, hình thức đăng bài này thịnh hành trong khoa học lý thuyết.
Với trình độ khoa học công nghệ hiện nay, một thí nghiệm hay tính toán phức tạp cần nhiều máy móc và người tham gia làm việc. Có thí nghiệm số người tham gia lên tới con số hàng nghìn kéo dài trong nhiều năm như thí nghiệm tìm kiếm sự tồn tại của hạt Higgs ở LHC của trung tâm CERN châu Âu.
Điều hiển nhiên khi công bố bài báo khoa học, người tham gia thí nghiệm sẽ là đồng tác giả vì họ đóng góp ở mức độ lớn nhỏ khác nhau (trong một số lĩnh vực nhất là thực nghiệm thì người càng gần tác giả đầu tiên trong danh sách tác giả bài báo thì càng có đóng góp nhiều).
Thí nghiệm, tính toán gồm nhiều chuyên gia kinh nghiệm tham gia thì càng có độ tin cậy cao và nhiều khả năng được chấp nhận đăng bài. Nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở Nhật một năm công bố trên dưới chục bài báo quốc tế là bình thường.
Nhóm nghiên cứu điển hình ở Nhật gồm một giáo sư - người lãnh đạo nhóm, một vài phó giáo sư, một vài postdoc (sau tiến sĩ), nghiên cứu sinh và học viên cao học. Giáo sư và phó giáo sư là người tham gia giảng dạy, hướng dẫn, đưa ra nhận xét, quyết định cho kết quả nghiên cứu và khả năng công bố chúng vì họ có kinh nghiệm chuyên môn dày dặn sau hàng chục năm trực tiếp làm thí nghiệm, viết bài, báo cáo ở các hội nghị. Bên cạnh đó họ là người "đứng mũi chịu sào" khi xin tiền tài trợ của các công ty và chính phủ cũng như báo cáo ở hội nghị khoa học lớn.
Người nghiên cứu sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh, học viên cao học là người trẻ, ít kinh nghiệm nên họ phải trực tiếp làm thí nghiệm, tính toán, thậm chí phải tự tìm các hướng nghiên cứu nếu giáo sư hướng dẫn yêu cầu. Khi tự tay làm thí nghiệm, tự tay tính toán thì người trẻ mới có kinh nghiệm để sau này hướng dẫn thế hệ sau hoặc nghiên cứu độc lập.
Nước Nhật có quỹ học bổng do chính phủ tài trợ (ví dụ JSPS-Japan Society for the Promotion of Science) nhằm đưa sinh viên, tiến sĩ trẻ đi làm ở các nhóm nghiên cứu mạnh tại các nước khác, nhất là Mỹ và Anh. Việc làm này giúp họ vừa tạo nhiều mối quan hệ trong giới khoa học, vừa có thêm các kinh nghiệm nghiên cứu từ nước phát triển khác, và gia tăng khả năng về ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, cần ghi nhận rằng, ý thức và trách nhiệm với quốc gia người Nhật rất cao. Họ đi là để quay về phục vụ đất nước. Họ không bao giờ quên cảm ơn tiền chính phủ giúp họ vươn ra biển lớn trong bài báo khoa học. Nhiều người vẫn giữ địa chỉ cơ quan ở Nhật và thường xuyên trao đổi, hợp tác với đồng nghiệp trong nước.
Điều này nhiều người sẽ nhận ra khi đọc bài báo của tác giả trẻ Nhật. Hiện có hiện tượng phổ biến là nhiều quốc gia khác nhau cùng chia sẻ một bài báo khoa học. Dĩ nhiên các quốc gia này sẽ được ghi nhận trong các thống kê về trình độ khoa học. Sẽ là rất may mắn nếu như sinh viên cũng như nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam làm việc trong nhóm nghiên cứu có uy tín ở các nước phát triển để rồi đem kiến thức về xây dựng đất nước.
Vấn đề là họ sẽ đi bằng con đường nào để khoa học nước nhà có lợi nhất?
Đăng bài theo nhóm: Mặt tiêu cực
Bên cạnh mặt tích cực, chúng ta cần cảnh giác và có biện pháp hạn chế mặt tiêu cực do người làm việc không nghiêm túc tạo ra để đối phó với các quy định của nhà nước. Khi đăng bài theo nhóm, các đồng tác giả được quyền dùng các bài báo chung trong hồ sơ khoa học của mình.
Chúng ta vẫn cho rằng người giỏi thì đồng nghĩa với việc có tên trong nhiều bài báo uy tín. Ở hầu hết các lĩnh vực khoa học-công nghệ, điều này là đúng nếu người đó làm việc thật sự trong môi trường khoa học minh bạch.
Tuy nhiên, nếu ý thức người làm nghiên cứu không cao và môi trường làm việc không có cơ chế kiểm tra thì chúng ta sẽ chứng kiến cảnh tượng một bài báo quốc tế sản sinh ra vài ba tiến sĩ (điều kiện cứ có bài báo quốc tế là tốt nghiệp tiến sĩ, không có sự rõ ràng về tiêu chuẩn đóng góp), vài phó giáo sư, giáo sư chia sẻ nhau chục bài báo quốc tế (điều kiện cứ có bài báo quốc tế là được tính điểm để phong học hàm, không có sự rõ ràng về tiêu chuẩn đóng góp), và nhiều đề tài khoa học chia nhau vài ba công bố (không rõ nước ta bỏ ra bao nhiêu tiền trên một bài báo/bằng sáng chế? cao hay thấp hơn các nước trong khu vực ?). Điều này liệu có phải là một trong những câu trả lời cho câu hỏi tại sao nước ta nhiều tiến sĩ, nhiều phó giáo sư, giáo sư mà lại có ít công bố quốc tế?
Không ai có thể phủ nhận mặt tích cực của việc đăng bài theo nhóm, nhất là trong thời buổi toàn cầu hóa. Việt Nam có thể gia tăng số lượng công bố khoa học trên trường quốc tế nếu chúng ta ưu tiên phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong nước, tạo ra sân chơi để nhà nghiên cứu trong nước có cơ hội giao lưu, hợp tác với nhau. Mô hình viện toán cao cấp là một hình mẫu hay cần được nhân rộng sang các lĩnh vực khoa học công nghệ khác.
Nhà nước cũng nên "chịu chi" để nhà nghiên cứu trong nước có cơ hội giao lưu, hợp tác với học giả quốc tế uy tín. Song song với đó, chúng ta cần có cơ chế đảm bảo không tồn tại việc nhiều nhà nghiên cứu không làm gì, nhưng lại có tên trong nhiều bài báo khoa học.
Một trong các biện pháp đó là tổ chức nhiều buổi hội thảo khoa học ở trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức nhiều lớp học, hội nghị, mời nhà khoa học trong nước giới thiệu kết quả đã công bố quốc tế. Việc này đem lại 2 lợi ích là sinh viên cũng như các nhà khoa học được cập nhập thông tin khoa học mới và hạn chế được việc tồn tại các nhà khoa học "chân gỗ".
Đỗ Quốc Tuấn
Mời độc giả tham gia viết bài: "Làm thế nào để Việt Nam tăng số lượng các công bố trên tạp chí quốc tế, và gửi về địa chỉ Khoahoc@vnexpress.net.