Australia chia sẻ kinh nghiệm làm truyền thông khoa học
Thứ năm, 11.04.2013 11:14Chiều 8/4 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp tổ chức tọa đàm "Truyền thông khoa học Australia: Chiến lược phát triển truyền thông khoa học quốc gia và giải pháp thực hiện".
Tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Australia trong việc xây dựng Chiến lược phát triển truyền thông khoa học quốc gia, xây dựng và quản lý bảo tàng khoa học và tổ chức tuần lễ khoa học quốc gia, qua đó gợi ý cho Việt Nam thực hiện kế hoạch truyền thông khoa học công nghệ một cách hiệu quả nhất.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải cho biết, truyền thông khoa học chưa bao giờ được nhấn mạnh như bây giờ trong các văn bản, chính sách. Vì thế, nhiệm vụ đổi mới, thúc đẩy truyền thông khoa học công nghệ được đặt ra rất bức thiết. Trong đó, đối tượng truyền thông khoa học hướng đến bao gồm từ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, nhà quản lý về khoa học công nghệ, đến các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.
"Truyền thông khoa học là lĩnh vực quan trọng nhưng Việt Nam lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do đó, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng một chiến lược truyền thông khoa học công nghệ hiệu quả", Thứ trưởng chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm, hai bên đã cùng nhau trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện hoạt động truyền thông khoa học.
Chia sẻ kinh nghiệm của chính phủ Australia trong nâng cao nhận thức của lãnh đạo các bộ, ngành về lĩnh vực này, ông Graham Durant AM, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia Australia Questacon cho biết: Australia luôn quan tâm chú trọng đến phát triển khoa học công nghệ, với quan điểm khoa học đặc biệt quan trọng trong việc duy trì, nâng cao chất lượng xã hội, kinh tế và môi trường. Vì thế, truyền thông là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Australia.
Để phát triển hoạt động này, chính phủ Australia đã xây dựng những Trung tâm truyền thông khoa học để các nhà khoa học giao lưu, trao đổi học thuật, tập huấn về công tác truyền thông để có thể trao đổi và chủ động trong việc kết nối với giới truyền thông. Ngoài ra, Australia còn chú trọng tới các hoạt động nhằm khuyến khích công chúng hướng về khoa học như "Sáng kiến khơi dậy Australia". Yếu tố chính của sáng kiến này là cải thiện hoạt động truyền thông xuyên suốt nhiều tổ chức khoa học và các ngành công nghiệp trong đó mỗi cơ quan đều có cá nhân đóng vai trò đầu mối. Hay tổ chức các "Tuần lễ khoa học quốc gia" trên cơ sở Liên hoan Khoa học Australia được tổ chức ở Canberra được tổ chức vào năm 1998. Tuần lễ Khoa học Quốc gia đóng vai trò là vườn ươm quan trọng cho đổi mới sáng tạo trong các hoạt động gắn kết khoa học. Trong suốt 16 năm, các sự kiện có tính đổi mới sáng tạo trong Tuần lễ Khoa học quốc gia đã tiếp tục có các tác động lâu dài trên cả nước; tạo ra kênh tương tác để nâng cao sự quan tâm và gắn kết những người trước đây không hề quan tâm tới các hoạt động này.
Ngoài việc chia sẻ các thông tin trên, tại buổi tọa đàm, hai bên cũng trao đổi thêm về việc phát triển, xây dựng và quản lý các bảo tàng khoa học. Trước thông tin Việt Nam đang có chủ trương xây dựng bảo tàng khoa học ở Đồng Nai, các chuyên gia đến từ Australia khẳng định, bảo tàng khoa học là nơi có thể tổ chức hoạt động truyền thông khoa học, có thể khơi dậy và thúc đẩy lòng đam mê khoa học ở các nhóm đối tượng hoặc cá nhân. Tuy nhiên việc thiết lập một bảo tàng khoa học là một thách thức đáng kể nhưng việc duy trì hoạt động còn khó hơn nhiều. Khi thiết lập một bảo tàng khoa học cần xem xét nơi đó cần hỗ trợ như thế nào để có thể hoạt động được.
_____________________________
*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến
email: thaolam@dantri.com.vn