Trung Quốc dự định “sản xuất” hàng loạt trẻ thần đồng?
Chủ nhật, 31.03.2013 10:21Trang Vice của công ty truyền thông Mỹ Vice Media vừa cho đăng tải một bài viết gây xôn xao dư luận, có nội dung ám chỉ Trung Quốc có thể đang theo đuổi kế hoạch dùng công nghệ gen để tạo ra một thế hệ trẻ thiên tài trong tương lai.
Dưới đây chúng tôi xin được lược dịch tóm tắt nội dung bài viết này:
Viện nghiên cứu gen BGI của Trung Quốc ở Thâm Quyến. (Ảnh: Vice)
Tại Viện nghiên cứu gen BGI của Trung Quốc ở Thâm Quyến, các nhà khoa học đã thu thập các mẫu ADN từ 2.000 cá nhân nằm trong số những người thông minh nhất thế giới và đang giải trình tự toàn bộ hệ gen của họ nhằm nhận diện những alen xác định trí thông minh của con người.
Rõ ràng, các nhà khoa học của Trung Quốc đang tiến gần tới kết quả và khi hoàn thành nó, việc soi phôi thai sẽ cho phép các bậc phụ huynh chọn hợp tử tốt nhất của họ và có thể tăng trí thông minh của mỗi thế hệ thêm từ 5 - 15 điểm IQ. Trong vòng một vài thế hệ tới, cạnh tranh với Trung Quốc về khả năng trí tuệ dường như sẽ bất khả thi.
Phóng viên của trang Vice đã có cuộc trò chuyện cởi mở với Geoffrey Miller, một nhà tâm lý học tiến hóa hiện đang giảng dạy tại trường Đại học New York (Mỹ) và là một trong số 2.000 nhân vật đã hiện tặng mẫu ADN của mình cho BGI.
Theo ông Miller, từ những năm 1990, Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng phương pháp siêu âm để phát hiện dị tật của thai nhi trước sinh và tới gần đây, họ đã chi rất nhiều tiền để nghiên cứu về gen của loài người nhằm tìm ra loại gen nào khiến con người thông minh hơn.
Viện BGI Thâm Quyến là trung tâm nghiên cứu gen lớn nhất ở Trung Quốc và cũng có thể là lớn nhất trên thế giới. Viện nghiên cứu này không chỉ tập trung tìm hiểu gen của con người mà còn xem xét gen của nhiều loài động, thực vật và bất cứ thứ gì có liên quan đến lợi ích kinh tế cũng như thuộc mối quan tâm của giới khoa học.
Cách đây vài ngày, BGI đã gửi một thư điện tử cho ông Miller để thông báo rằng họ gần như hoàn tất việc giải trình tự gen cho Dự án Di truyền học liên quan đến nhận thức có sử dụng mẫu ADN của ông và rằng kết quả cuối cùng sẽ có trong nay mai.
Về việc tuyển chọn mẫu ADN phục vụ nghiên cứu, ông Miller nhận định, BGI dường như quan tâm nhất tới những người có gốc gác Trung Quốc và châu Âu. Về cơ bản, họ tuyển chọn các mẫu thông qua một hội nghị khoa học và giới thiệu bằng miệng. Ứng viên cũng sẽ phải cung cấp một số bằng chứng cho thấy bản thân thông minh như mình nói. Ứng viên cũng sẽ phải gửi cho họ CV hoàn chỉnh của mình, các ấn phẩm đã xuất bản, kết quả các bài kiểm tra IQ tiêu chuẩn, thông tin xác minh về nơi học đại học, ...
Phỏng đoán về ứng dụng của dự án BGI, ông Miller cho rằng, một khi các nhà nghiên cứu có trong tay thông tin về những gen quyết định trí thông minh của con người và một trứng đã thụ tinh, phân chia thành một số tế bào, họ có thể lấy mẫu một trong các tế bào đó để tìm ra trí thông minh mong muốn nếu nó được nuôi cấy và trở thành một con người.
Điều này có nghĩa là, bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng có thể có nhiều trứng được thụ tinh trong phòng thí nghiệm bằng tinh trùng của cha và trứng của mẹ. Sau đó, các chuyên gia có thể kiểm tra nhiều phôi và phân tích xem phôi nào sẽ trở thành người thông minh nhất. Đứa trẻ ấy sẽ vẫn là con của cặp vợ chồng đó nếu họ có nó một cách tự nhiên, nhưng sẽ là đứa trẻ thông minh nhất trong số các con của bố mẹ nó. Đây không phải là kỹ thuật biến đổi gen hay thêm các gen mới, mà là quá trình sử dụng các gen đã có của cặp bố mẹ.
Qua nhiều thế hệ, theo cách này, trí thông minh của người dân do đó có thể được nhân lên gấp bội.
Ngay cả khi trí thông minh trung bình của một đứa trẻ chỉ tăng 5 điểm IQ, nó cũng đủ để tạo ra một khác biệt rất lớn xét về năng suất kinh tế, năng lực cạnh tranh của đất nước, số bằng sáng chế mà họ có, cách điều hành các doanh nghiệp cũng như mức độ đổi mới của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Miller nhấn mạnh, mặc dù nghiên cứu của BGI có thể mở ra một cánh cửa tiềm năng về kỹ thuật gen trong tương lai, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để biến nó thành hiện thực. Về thời điểm có thể áp dụng việc phân tích phôi trên quy mô lớn, nhà khoa học này cho rằng có thể trong 5 – 10 năm nữa hoặc ít hơn, phụ thuộc vào việc thúc đẩy quá trình này như thế nào.
Theo ông Miller, trong lĩnh vực nghiên cứu gen, phương Tây tụt hậu tương đối xa sau Trung Quốc. Mặc dù sở hữu khả năng kỹ thuật, khả năng thống kê để phân tích dữ liệu như nhau, nhưng người Trung Quốc thu thập được dữ liệu ở quy mô lớn hơn nhiều và dường như có khả năng chuyển biến các phát hiện khoa học thành chính sách của chính phủ và kiểm tra gen thương mại dễ dàng hơn nhiều so với phương Tây.
______________________________
*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến
email: thaolam@dantri.com.vn
• Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Yanmar tại Việt Nam đi vào hoạt động
• Truyền hình trực tiếp chương trình “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”
• ĐH Đà Nẵng: Phong tặng Học vị Tiến sĩ danh dự đến 2 Tiến sĩ nước ngoài
• Điện hạt nhân Đông Nam Á hậu Fukushima