Sản phẩm nổi bật
Đối tác
Hoạt động
Chuyển đổi số là gì! Chuyển đổi số là gì!Chuyển đổi số là cụm từ được nhắc đến bên cạnh các khái niệm như...
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lưu trữ Việt Nam Lê Thị Hà Trúng cử Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lưu trữ Việt Nam, Khóa I (Nhiệm Kỳ 2022 - 2027). Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lưu trữ Việt...Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lưu trữ Việt Nam Lê Thị Hà Trúng cử Phó Chủ...
Công ty CP Lưu trữ Việt Nam trao 80 xuất quà tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn Công ty CP Lưu trữ Việt Nam trao 80 xuất quà tết...Phát quà tết cho các hộ nghèo tại Xã Hoằng xuyên và xã Hoằng Đại, tỉnh Thanh...
Công ty CP Lưu trữ Việt Nam tìm hiểu truyền thống Công ty CP Lưu trữ Việt Nam tìm hiểu truyền...Ngày 17 tháng 9 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số...
Thời tiết
- 15:29
Trang chủTIN NHANH › Công ty CP Lưu trữ Việt Nam tìm hiểu truyền thống "Ngày Lưu trữ Việt Nam"
Công ty CP Lưu trữ Việt Nam tìm hiểu truyền thống "Ngày Lưu trữ Việt Nam"
9 10 1690

Công ty CP Lưu trữ Việt Nam tìm hiểu truyền thống "Ngày Lưu trữ Việt Nam"

Thứ hai, 24.02.2020 18:56

Ngày 17 tháng 9 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg về Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam và lấy ngày 03 tháng 01 hàng năm là “Ngày Lưu trữ Việt Nam”

. Nhân ngày truyền thống Lưu trữ Việt Nam 2015, chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu các hồ sơ lưu trữ đang bảo quản tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ Văn thư - Lưu trữ nhằm tìm hiểu vì sao trong rất nhiều sự kiện trọng đại của ngành lưu trữ, Chính Phủ lựa chọn ngày 03 tháng 01 hàng năm là ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam và quá trình xây dựng hồ sơ, thuyết minh trình Thủ tướng chính phủ quyết định Ngày Lưu trữ Việt Nam diễn ra như thế nào. Chúng tôi hi vọng rằng những thông tin được tìm hiểu trên đây sẽ giúp các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác lưu trữ thêm hiểu, thêm yêu nghề, để tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ quốc gia. Để lựa chọn sự kiện và tên gọi cho Ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam, năm 2006, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã thành lập một Ban nghiên cứu để lựa chọn, đề xuất với Chính phủ quyết định ngày Lưu trữ Việt Nam. Vào thời điểm bấy giờ, để lựa chọn được tên gọi của ngày, sự kiện để chọn làm ngày lưu trữ Việt Nam là một vấn đề khó khăn. 1. “Ngày Lưu trữ Việt Nam” hay “Ngày Lưu trữ Nhà nước Việt Nam” Thời điểm năm 2006, về mặt tổ chức, ngành Lưu trữ Việt Nam có phân ra 03 hệ thống lưu trữ: hệ thống lưu trữ Nhà nước, hệ thống lưu trữ Đảng và hệ thống lưu trữ chuyên ngành (công an, quốc phòng, ngoại giao). Do vậy, phương án lấy tên là “Ngày Lưu trữ Nhà nước Việt nam” đã được đưa ra. Tuy nhiên, nếu lựa chọn phương án này, mỗi hệ thống lưu trữ sẽ phải có một ngày truyền thống riêng, trong khi công tác lưu trữ lại do Nhà nước quản lý tập trung thống nhất trên toàn quốc, cho nên về mặt lý luận sẽ không đúng nguyên tắc quản lý công tác lưu trữ. Về mặt xã hội, nếu lấy tên “Ngày Lưu trữ Nhà nước Việt Nam” sẽ không động viên, phát huy được lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm của các cán bộ làm công tác lưu trữ ở mọi cơ quan, tổ chức, mọi ngành nghề trên toàn quốc cùng bảo về và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia. Ngoài ra, qua nghiên cứu cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều có ngày truyền thống lấy tên là “Ngày lưu trữ”, không phân biệt ngày đó là ngày của hệ thống lưu trữ Nhà nước, lưu trữ của các tổ chức chính trị hay hệ thống lưu trữ tư nhân. Do vậy, tên ngày truyền thống của ngành là “Ngày Lưu trữ Việt Nam” đã nhận được đông đảo các ý kiến đồng thuận. 2. Các mốc sự kiện được đưa ra lựa chọn làm Ngày Lưu trữ Việt Nam Trong suốt quá trình phát triển của ngành Lưu trữ, có rất nhiều sự kiện trọng đại đánh dấu bước ngoặt, bước phát triển vượt bậc của ngành. Theo tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, các sự kiện lớn của ngành Lưu trữ được đưa ra để lựa chọn làm ngày truyền thống như sau: Thời kỳ phong kiến Tàng thư lâu được xây dựng từ năm 1825. Đây là kho lưu trữ đầu tiên có tính chất quốc gia. Tuy nhiên đây cũng chưa phải là một mốc lớn, một sự kiện lớn đánh dấu và làm nền tảng cho sự phát triển của lưu trữ Việt Nam nói chung và của ngành lưu trữ chính quyền cách mạng sau này. Thời kỳ Pháp thuộc Ngày 29/11/1917, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương được thành lập. Lần đầu tiên, Việt Nam có một cơ quan quản lý chung về công tác lưu trữ và thư viện. Tuy nhiên, phạm vi ảnh hưởng của Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương chưa lớn, chưa rộng khắp. Hơn nữa, cũng như thời kỳ phong kiến, cho dù đã có cơ quan quản lý chung về công tác lưu trữ trong cả nước, song tài liệu lưu trữ thời kỳ này chỉ là tài sản riêng của một thiểu số người thuộc giai cấp thống trị và là phương tiện để củng cố địa vị về chính trị, kinh tế, xã hội của chính giai cấp thống trị. Công tác lưu trữ trong các chế độ cũ được đặt ra chỉ để phục vụ cho nhà nước của giải cấp thống trị, xa lạ với những lợi ích chính đáng của quần chúng lao động. Vì vậy, công tác lưu trữ của nước ta trong những thời kỳ trước năm 1945 vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa có đủ những điều kiện cần thiết để có thể phát triển một cách toàn diện và vững chắc. Chính vì vậy, việc lựa chọn sự kiện làm “Ngày Lưu trữ Việt Nam trong thời kỳ phong kiến và Pháp thuộc là chưa hợp lý. Thời kỳ từ tháng 8/1945 - Ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh cử Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc. Việc thành lập Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc - cơ quan làm chức năng quản lý công tác lưu trữ cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngay sau cách mạng thành công là một sự kiện đáng ghi nhận trong quá trình phát triển của ngành Lưu trữ Việt Nam. Sự kiện đó khẳng định Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác lưu trữ, mà trước hết là vấn đề xây dựng hệ thống tổ chức lưu trữ. Tuy nhiên, do điều kiện cả dân tộc ta phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên vai trò của Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc chưa được phát huy và hoạt động của cơ quan này đã sớm bị gián đoạn. - Sau khi giành chính quyền, một hiện tượng phổ biến xảy ra ở các công sở là hồ sơ, tài liệu của chế độ cũ để lại đã bị một số viên chức tùy tiện tiêu hủy hoặc đem bán. Vì vậy, ngày 03/01/1946, Chủ tịch Hồ chí Minh đã ký Thông đạt số 1C/VP gửi các Bộ trưởng của Chính phủ lâm thời. Đây là văn bản chỉ đạo của Chính phủ nhằm ngăn chặn ngay tình trạng hủy bỏ tài liệu của chính quyền cũ. Trong thông đạt này, với nhận thức sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tính kế thừa những giá trị văn hóa quá khứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật ý nghĩa to lớn của tài liệu lưu trữ là “Có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”. Người nghiêm khắc phê phán hiện tượng tùy tiện tiêu hủy tài liệu và coi đó là hành động “có tính cách phá hoại”. Người đã chỉ thị nghiêm cấm những hành động đó, đồng thời định rõ trách nhiệm của mỗi người đứng đầu cơ quan, mỗi công chức trong việc giữ gìn an toàn tài liệu. Ở văn kiện quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao giá trị của tài liệu lưu trữ và phê phán nghiêm khắc hiện tượng tùy tiện loại hủy tài liệu, mà còn nêu lên những nguyên tắc, chế độ đối với công tác lưu trữ. Đối với những hồ sơ, tài liệu thực sự không có giá trị, muốn tiêu hủy phải tuân thủ theo một quy định nghiêm ngặt là: “Cấm không được hủy những công văn, tài liệu ấy nếu không có lệnh trên rõ rệt cho phép hủy bỏ”. Thông đạt còn đưa ra phương thức về quản lý hồ sơ, tài liệu của quốc gia: “Xin nhắc rằng, hồ sơ hoặc công văn không cần dùng, sau này sẽ gửi về những Sở Lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để tang trữ”. Với quy định này, Thông đạt thực sự đã đặt nền móng cho sự ra đời và nêu lên nội dung cơ bản nhất của nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ trong lưu trữ các nước XHCN. Định ra nguyên tắc này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sức mạnh của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và ý chí quyết tâm làm chủ đất nước, trong đó có quyền làm chủ của nhân dân ta đối với tài liệu lưu trữ. Thông đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện chỉ đạo đầu tiên hết sức quan trọng của nhà nước ta về công tác lưu trữ. Văn kiện đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng tùy tiện tiêu hủy hồ sơ, tài liệu trong các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân ta về ý nghĩa, tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ. Vì vậy, Thông đạt thật sự là một văn kiện có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển công tác lưu trữ của nước ta. - Ngày 04/9/1962, Hội đồng chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP v/v thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng. Đây là cơ quan có chức năng giúp Nhà nước quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Nhà nước trong việc ban hành các chế độ, quy định về công tác lưu trữ… Việc thành lập Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng - cơ quan quản lý toàn quốc về công tác lưu trữ đã khẳng định một bước tiến quan trọng về xây dựng tổ chức của ngành Lưu trữ Việt Nam. Từ đây, nước ta có một cơ quan quản lý cao nhất về công tác lưu trữ, tạo điều kiện xây dựng ngành Lưu trữ nước ta với hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ, hệ thống các văn bản pháp lý và cơ sở khoa học nghiệp vụ ngày càng hoàn chỉnh hơn. - Ngày 11/12/1982, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký lệnh công bố Pháp lệnh Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia. Pháp lệnh ra đời có một ý nghĩa hết ức quan trọng đối với ngành Lưu trữ nước ta. Với việc ban hành Pháp lệnh, lần đầu tiên trong lịch sử công tác lưu trữ Việt Nam, những quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo chủ yếu của Đảng đã được thể chế hóa thành một văn bản pháp luật, trong đó đã quy định những vấn đề cơ bản nhất về tổ chức, quản lý tài liệu lưu trữ và công tác lưu trữ. Chính vì vậy, Pháp lệnh đã có tác dụng chỉ đạo rất lớn và toàn diện đối với quá trình xây dựng công tác lưu trữ Việt Nam. Pháp lệnh ra đời đã khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác lưu trữ; đánh dấu một bước tiến vượt bậc của lưu trữ nước ta trong lĩnh vực xây dựng pháp luật lưu trữ và tổng kết các vấn đề lý luận, thực tiễn trong công tác lưu trữ ở Việt Nam. 3. Ý nghĩa của việc lựa chọn ngày 03 tháng 01 hàng năm là Ngày Lưu trữ Việt Nam Qua phân tích các sự kiện, sau khi lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, Cục Lưu trữ Văn Phòng trung ương Đảng, ngày 06 tháng 6 năm 2007, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 1619/TTr-BNV trình Thủ tướng Chính phủ v/v lấy ngày 03 tháng 01 hàng năm là ngày Lưu trữ Việt Nam vì những lý do sau: - Thông đạt có ý nghĩa to lớn về cả lý luận và thực tiễn đối với công tác lưu trữ Việt Nam. - Trên quan điểm lịch sử, đây là một trong những văn kiện đầu tiên có ý nghĩa to lớn về cả lý luận và thực tiễn đối với công tác lưu trữ của Nhà nước cách mạng Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, tài liệu lưu trữ được Nhà nước khẳng định là của nhân dân và toàn dân phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ tài sản chung của dân tộc. - Thông đạt do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký - vị lãnh tụ thiên tài của Đảng, của dân tộc Việt Nam - một danh nhân văn hóa thế giới. Trong thực tế hiện nay, nhiều ngành đã lựa chọn những sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với ngành và liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm ngày truyền thống của ngành. - Với tầm ảnh hưởng lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tầm nhìn sâu sắc của Người đối với công tác lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ thể hiện qua việc ký và ban hành Thông đạt ngày 03 tháng 01 năm 1946 ngay khi đất nước mới giành được độc lập, đây có thể được coi là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Lưu trữ Việt Nam. Toàn thể những người làm công tác lưu trữ trong toàn quốc nhận thấy những quy định hết sức cụ thể đối với công việc của mình được nêu trong Thông đạt luôn luôn còn nguyên giá trị qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam. - Việc lấy ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thông đạt về việc giữ gìn tài liệu lưu trữ làm ngày truyền thống của ngành sẽ có tác dụng lớn lao đối với xã hội: đó là góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, của mỗi người dân, mỗi cán bộ, mỗi người đứng đầu cơ quan, tổ chức… về công tác lưu trữ và về giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ đối với công cuộc xây dựng đất nước. Điều đó sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức đối với việc giữ gìn bảo quản tài liệu lưu trữ nhằm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trước những lý do trên, ngày 17 tháng 9 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1229/QĐ-TTg về Ngày truyền thống của ngành Lưu trữ Việt Nam và lấy ngày 03 tháng 01 hàng năm là “Ngày Lưu trữ Việt Nam”. Trong những ngày này, những người làm công tác lưu trữ xin tri ân sự đóng góp của các thế hệ công chức, viên chức ngành lưu trữ, đồng thời xin hứa sẽ tiếp tục cố gắng và cống hiến cho nghề mà mình đã chọn./.

[Trở về] [Đầu trang] In bài viết Gửi cho bạn bè

Các tin khác:

Get Flash to see this player.

Tin tức trong ngành
Khách hàng và đối tác

 Đăng nhập

Quên mật khẩu?